Tản Mạn- Viết Lách

Đôi khi, lắng nghe mới là tất cả

Hôm nay vô tình đọc lại tin nhắn của một người mà tôi đã từng hỗ trợ vào cách đây 2 năm trước. Đó là người đầu tiên, cũng là case đầu tiên tôi hỗ trợ. Đó là một người đàn ông, 30 tuổi. Anh gửi tin nhắn và tỏ ra rất thận trọng, vì anh đã từng đi thăm khám tâm lý ở một bệnh viện.

Tôi đã tìm gặp một bác sĩ tâm lý nhưng cảm thấy không phù hợp với phương pháp của vị bác sĩ đó. Vị bác sĩ đó có tiếng nhưng không như mong đợi. Tôi có thể trả cho bạn số tiền tương ứng.

Rất may, buổi nói chuyện hôm đó cũng ổn, người đàn ông đó không còn tỏ ra phòng thủ nữa.

Càng về sau này có dịp được tiếp xúc với nhiều người, họ cũng đã từng đi thăm khám ở các bệnh viện lớn. Nhưng họ cho biết rất không vui với những trải nghiệm đó. Các bác sĩ ở đó chỉ hỏi đôi ba câu qua loa, phát thuốc đi về.

Tôi từng nghe cậu bạn tôi nói thế này, số thuốc đó tốn gần 1 triệu. Vừa về đến nhà, cậu đã quẳng ngay vào sọt rác. “Tui biết mình bị trầm cảm, tui cần được hỗ trợ, chứ nếu biết đến đó mà còn bị chẩn đoán là trầm cảm rồi mua thuốc thì đến làm gì” ( Xin lỗi, đoạn này tôi đã làm nhẹ lại đi, chứ thực tế nặng nề hơn nhiều.
Tôi không dám nói rằng mình giỏi hơn các bác sĩ, nhưng ít nhất là có thể đáp ứng được nhu cầu cần được chia sẻ ở họ.

Tôi hỏi chị bạn tôi, chị đang là thạc sỹ lâm sàng của bệnh viện tâm thần. Chị nói là một ngày có rất nhiều việc phải làm, thời gian trò chuyện với bệnh nhân có lẽ ít để còn làm việc khác.

Nói đến đây, tôi mù mờ đoán ra sự xung đột ấy. Những người đến thăm khám, họ cần được lắng nghe nhiều hơn, còn các bác sĩ có quá nhiều việc nên sự chú tâm đến việc trò chuyện chắc là bị chệch đi ít nhiều, chưa kể một ngày họ phải tiếp đón rất nhiều người đến thăm khám. Hơn ai hết, các bác sĩ mới là người phải chịu đựng tâm lý. Có lẽ vì lý do này, nhiều người đến thăm khám tỏ ra không hài lòng.

Cách đây không lâu, một chị gọi điện yêu cầu được hỗ trợ, hai chị em ra quán café trò chuyện. Buổi trò chuyện đó kéo dài từ 9h sáng đến 1h chiều. Tôi chỉ nghe và hỏi như bạn bè, không khuyên gì cả, vì biết cái gì mà khuyên. Cuối buổi, chị trả tôi 500.000 VND. “Chị chỉ cần giãi bày để có nghị lực được sống tiếp”.

Rất nhiều người khi nhắn tin yêu cầu được hỗ trợ, họ chỉ cần được chia sẻ.

Từ đó về sau, các case tôi từng hỗ trợ, cách tôi làm là để họ tự giải quyết vấn đề. Cùng lắm tôi sẽ giải đáp một số thắc mắc ở họ. Cách làm này vừa tăng sự tự tin, lòng tự tôn ở họ cũng như để họ làm chủ cuộc đời của mình mà không phải ai can thiệp.

Người đàn ông đó sau này cũng nhắn lại là cuộc sống của anh đã tốt hơn rất nhiều từ sau buổi trò chuyện. Và những phản hồi như vậy sau này ngày càng nhiều, chúng đến từ những người tôi đã gặp.

Và tôi cũng hi vọng rằng giữa tôi và anh sẽ không phải gặp nhau trong bối cảnh như hôm đó nữa.

 

Loading

Huy Đức

Tư vấn giao tiếp, công việc, hướng nghiệp, công việc và mối quan hệ cho người hướng nội. Email: info@bloghuongnoi.com Phone 0977.201.561 Skype : shinwa0204

Related Articles

Trả lời

Back to top button