Công Việc

Hướng nghiệp cho người hướng nội : Những phương pháp chọn trường, chọn công việc đúng đắn

Bạn là người hướng nội và thường hay gặp những thắc mắc liên quan đến vấn đề chọn ngành nghề trong tương lai. Liệu rằng mình nên chọn trường nào, học ngành gì, sau khi ra trường sẽ làm ở đâu..vvv…… Đây gần như là câu hỏi chung của tất cả mọi người.

Bài viết dành cho membership có trả phí của Blog Hướng Nội

1. Xác định rõ bản thân có sở thích nào, sở trường nào ?

Đề có thể đi đúng hướng trong tương lai khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc bạn đang mới đi làm, bạn cần phải xác định được đam mê, sở thích hay thế mạnh của bản thân. Đừng chọn bất kỳ ngành học hay công việc chỉ vì theo xu thế thời đại, theo ý kiến của người thân để rồi bạn cảm thấy đuối sức trong sa số lựa chọn có sẵn đó. Hãy theo lý tưởng riêng của mình.

Việc xác định sở thích, sở trường của bản thân không hề khó. Ngay từ khi bạn đang còn ngồi ghế nhà trường thôi thì chắc chắn bạn sẽ có khả năng tiềm ẩn rồi, chỉ là nhất thời nó chưa được có cơ hội thể hiện.

Chẳng hạn như, bạn là người thích các con số, và bạn là thủ quỹ của lớp, được mọi người nhận xét là cẩn thận, chi li ( và bạn cũng rất thích chức vụ đó) thì lớn lên bạn có thể cân nhắc theo ngành kế toán, kiểm toán. Bạn khi còn học sinh thích sáng tác, viết lách, thích biên tập, chỉnh sửa câu văn; bạn có thể theo nghề biên tập viên. Bạn thích pha trò cho mọi người, là trung tâm của sự chú ý, bạn có thể theo nghề MC. ( Lưu ý là những lời ngợi khen này cũng có thật và chính bạn cũng phải cảm thấy thích thú với những việc bạn đang làm. )

Bạn là người thích nấu ăn và tay nghề ổn, nhưng bạn cũng rất đam mê nhiếp ảnh và có những bức ảnh đẹp. Bạn có thể cân nhắc học nghề nấu ăn hoặc nghề chụp ảnh, tiến tới mở cửa hiệu chụp ảnh trong tương lai.

Nhưng ngược lại, bạn vẫn chưa cảm thấy mình thích gì hay biết điểm mạnh của bạn thì sao? Bạn hãy thử, đừng ngại ngần, vì quá trình thử này chỉ để test khả năng của bạn ở đâu. Ví dụ bạn có thể trổ tài nấu ăn ở nhà để nhờ mọi người nhận xét, bạn có thể sáng tác viết lách bất kỳ nội dung nào rồi post trên mạng xã hội chờ phản hồi từ bạn bè, nếu may mắn thì bạn có thể nhận được yêu cầu gửi bản thảo để xuất bản sách, bạn có thể đăng ký chức vụ nào đó trong lớp học như lớp trưởng ( kiểm tra năng lực quản lý), lớp phó ( kiểm tra năng lực trợ lý), thủ quỹ ( kiểm tra năng lực thu chi và cân đối ngân sách)…vv…. Luôn có những mảnh đất để giúp bạn thực hiện điều này.

Trong quá trình kiểm nghiệm, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy có thể hợp hoặc có thể không. Sự lựa chọn vẫn ở bạn.

Một tình huống khác khi bạn chưa biết cơ hội nào để thử? Bạn hãy để ý lời nhận xét tích cực từ bạn bè và người thân xung quanh. Chẳng hạn như họ khen bạn có những hiểu biết tâm lý con người và lời khuyên rất tốt, bạn có thể cân nhắc theo ngành tâm lý; bạn được khen có khả năng xử lý dữ liệu, mã code máy tính thì bạn có thể theo hướng lập trình viên; bạn được khen là người sáng tạo trong mỹ thuật thì thiết kế đồ họa có vẻ sẽ phù hợp hơn với bạn.

2. Sử dụng các công cụ trắc nghiệm hướng nghiệp

Dựa trên những gì bạn có về năng lực, sở thích, quan điểm, sở trường hay sở đoản thì trắc nghiệm chọn nghề cũng là một giải pháp khác dành cho bạn. Các bài test về người hướng nội theo nhóm màu sắc, bài trắc nghiệm DISC, bài trắc nghiệm Holland hay MBTI hiện nay khá phổ biến trên internet. Chỉ cần bạn dành chút thời gian để google thì bạn sẽ có link truy cập làm bài test. Ở mỗi kiểu bài trắc nghiệm thường dựa theo nhiều yếu tố khác nhau : tính cách, suy nghĩ, sở thích. Bạn có thể làm nhiều bài test cùng một lúc để tham khảo các kết quả khác nhau.

Tuy nhiên bạn cũng cần hết sức lưu ý, khi bạn tham gia các bài test thì bạn không nên “phó mặc” theo sự lựa chọn nghề nghiệp của hình mẫu tính cách nào đó trên mạng và để tham khảo về sau. Bởi lẽ, hình mẩu ấy là chỉ số chung, còn bạn cần “personalize” ( cá nhân hóa). Chưa chắc tính cách bạn đang mang “danh hiệu” vào người đã phù hợp với những nghề của “danh hiệu” ấy. Thật vậy, việc bạn là một hướng nội, hướng ngoại, một INTJ, INFJ….gì đó không quan trọng bằng việc bạn hiểu rõ bạn là ai trước đã.

3. Tham gia các buổi thuyết trình hướng nghiệp

Hiện nay, bạn có thể dễ dàng theo dõi lịch và chủ đề thuyết trình về hướng nghiệp trên mạng xã hội của bất kỳ diễn giả nào đó trên mạng. Thông thường, đó là những người tư vấn viên hướng nghiệp, những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những người làm cố vấn nhân sự cấp cao trong các tập đoàn lớn. Ở đây, bạn có thể nắm bắt xu thế nghề nghiệp trong tương lai cũng như các lời khuyên hết sức bổ ích dành cho các bạn trẻ muốn có được những công việc phù hợp.

Dù gì thì họ là những người đi trước với năng lực kinh nghiệm không thể bàn cãi. Bạn có thể ghi chép nhanh những câu nói hay mà bạn cảm thấy tâm đắc trong sổ tay và dành thời gian đọc lại chúng. Hơn thế nữa, nếu trong số họ có sử dụng mạng xã hội thì bạn follow để cập nhật từ những chia sẻ của họ.

4. Tìm kiếm thông tin online, offline

Một ngày trôi qua ắt hẳn có rất nhiều nguồn thông tin bổ ích đáng đọc. Bạn nên hạn chế các thông tin giải trí vô bổ, hãy chú ý nhiều hơn các thông tin liên quan đến kinh tế, chính trị, nghề nghiệp. Sự thay đổi luôn diễn ra hàng ngày, nó đòi hỏi bạn nắm bắt rất nhanh nhằm tối ưu hóa con đường đi của bản thân. Trong các bản tin về kinh tế, nội dung thường tập trung vào những con số, sự phát triển hay hạ thấp của ngành nghề bất kỳ được dự báo gần. Bạn không nên bỏ qua, hãy note lại nếu bạn có thể.

Các thư viện của các trường THPT, cao đẳng đại học luôn chứa đựng nhiều tạp chí, sách báo liên quan đến hướng nghiệp trong tương lai. Thông tin thường xuyên luôn được cập nhật hàng năm để đảm bảo giúp bạn biết rõ xu thế công việc trong tương lai cần gì.

Điều này còn đúng với cả tạp san tuyển sinh hàng năm. Các thông tin liên quan đến trường đại học cao đẳng, ngành nghề được thí sinh chọn nhiều, tỉ lệ chọi, điểm số qua hàng năm được cập nhật đầy đủ. Sau đó bạn nghiên cứu thử xem với năng lực học tập thì bạn sẽ đậu trường nào cao nhất. Tránh trường hợp trèo cao té đau.

5. Những lưu ý cần tránh

Bạn không nên chọn nghề theo trào lưu. Ví dụ khi tôi đang học năm 2007, ngành Tài chính ngân hàng vẫn đang còn khá hot nên hồ sơ nộp vào các trường có ngành này luôn cao ngất ngưởng. Nhưng khi cung vượt cầu, cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng khắt khe hơn nên không ít người bị thất nghiệp. Họ lại loay hoay con đường nghề nghiệp của mình mà không biết sẽ đi về đâu. Thêm vào đó, khi bạn đang ngồi ghế nhà trường hay đang học đại học thì chưa chắc vị thế của ngành bạn đang học sẽ luôn được giữ vững. Ai dám đảm bảo rằng bạn sau khi ra trường thì ngành bạn đang học sẽ còn hot, hay ngành bạn đã/đang/sẽ học khiến bạn cảm thấy kiệt sức vì quá đuối, lại không hợp. Sai lầm này không hề ít ở nhiều bạn trẻ đang gặp phải khi họ phải thi lại để chọn ngành tốt hơn.

Một điều nữa, bạn không nên chọn nghề theo lý tưởng nhất thời. Trong cuốn sách “Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau”, ông cho rằng bạn chọn nghề theo lý tưởng, chẳng hạn như bạn thích trở thành nhà khoa học sau khi xem phim khoa học viễn tưởng, bạn thích trở thành đầu bếp sau khi xem các chương trình dạy nấu ăn…. Rất không tốt cho bạn trẻ chưa thể định hình ngay lúc đó. Chọn nghề theo lý tưởng nhất thời thường sẽ khiến bạn cảm thấy nhanh chóng thất vọng vì giữa lý thuyết và thực tế hoàn toàn khác xa nhau, bạn dễ thất vọng với trải nghiệm đó.

Một điều mà tôi thường hay thấy, đó là sự mâu thuẫn trong việc chọn nghề của bậc con trẻ với phụ huynh. Ví dụ phụ huynh muốn con cái theo sự lựa chọn của họ, trong khi đó con trẻ nhất quyết theo trái tim mách bảo, dù là nhất thời hoặc chắc chắn. Không ít các em chỉ vì muốn vui lòng cha mẹ mà theo sự lựa chọn dù chẳng mấy hứng thú gì. Cũng không ít các bậc cha mẹ cảm thấy phiền lòng khi mà không hiểu tại sao bố mẹ chỉ muốn tốt cho chúng mà lại bướng bỉnh đến vậy. Do đó, cả hai bên cần có những buổi trò chuyện nghiêm túc và đồng thời các bạn cũng cần chứng minh con đường đi của mình hoàn toàn là phù hợp. Bạn không nên giấu diếm suy nghĩ hay có những phản kháng không thích hợp.

Cuối cùng, bạn cần cân nhắc đến năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính có cho phép bạn thực hiện điều đó hay không ? Các trường đại học thường sẽ có mức học phí khác nhau dựa trên số tín chỉ, bài thực hành, thực tế…..và có những ngành đòi hỏi bạn phải chi trả số tiền không hề nhỏ. Do đó nhằm hạn chế các rủi ro khi phải bỏ ước mơ giữa chừng, bạn hãy tìm hiểu rõ về nơi bạn sẽ nộp hồ sơ, mức học phí bạn phải đóng và mức chi tiêu bạn phải bỏ ra trong suốt thời gian học tập.

 

 

 

Loading

Huy Đức

Tư vấn giao tiếp, công việc, hướng nghiệp, công việc và mối quan hệ cho người hướng nội. Email: info@bloghuongnoi.com Phone 0977.201.561 Skype : shinwa0204

Related Articles

Trả lời

Back to top button