
Hướng Nội- Sức mạnh của sự yên lặng trong thế giới nói không ngừng
Hướng Nội- Susan Cain
Ít nhất 1/3 người chúng ta quen biết là người hướng nội. Họ là người nghe hơn thích nói, thích đọc sách hơn thích tiệc tùng, thích đổi mới sáng tạo nhưng lại ghét việc phải thể hiện bản thân, thích làm việc độc lập hơn làm việc nhóm.
Trong cuốn sách này, với cơ sở lập luận vững chắc bằng cách quan sát giỏi của tác giả sẽ cho chúng ta thấy người hướng nội đang phải chịu nhiều thiệt thòi đến nhường nào khi các nhãn dán như “lầm lì, ít nói, không năng động, tự kỷ”; tuy nhiên sự thực có phải là như vậy? Bạn sẽ thấy rõ chính bản thân mình hơn qua các bài trắc nghiệm, đặc biệt khi chính bản thân bạn là người hướng nội.
Trong quyển sách có nói về một ví dụ của sự cẩn trọng cân nhắc đầy cẩn thận của họ, những introverts ở một công ty kia bị tước quyền giao dịch, tước quyền chức vụ chỉ vì họ từ chối ký kết hợp đồng từ cấp trên đưa xuống, mà họ cảm nhận được điều không may sẽ xảy đến. Và rồi cái gì đến cũng đã đến, các lời cảnh báo trước đó đều xảy ra thành sự thật.
Warren Buffett, tỉ phú phố Wall là một introvert điển hình. Trong một lần tham dự đại hội về cơ hội đầu tư internet mới nổi, ông đã cảnh báo trước đám đông về sự tiềm ẩn nguy cơ, nhưng đa phần các doanh nhân ở đó đều phớt lờ và đánh giá thấp. Cuối cùng, bong bóng đầu tư internet ấy đã vỡ tan thành mây khói. Sau tất cả, Warren Buffett vẫn rất thành đạt mà không chạy theo đám đông.
Hướng ngoại, họ sẽ quan tâm đến NHỮNG GÌ ĐANG XẢY RA khi họ thiên về phần thưởng, còn hướng nội sẽ quan tâm đến NHỮNG GÌ CÓ THỂ XẢY RA khi họ thiên về mối đe dọa.
Người hướng nội vẫn có thể “tỏ ra” hướng ngoại, nếu người hướng nội hoàn toàn có khả năng hành động được như người hướng ngoại, nếu những công việc mà họ cho là quan trọng, những người mà họ yêu quý, hay bất cứ điều gì mà họ đề cao. Lý do đó giải thích tại sao một người hướng nội có thể tổ chức một bữa tiệc bất ngờ cho người vợ hướng ngoại của mình, hay tham gia hội phụ huynh ở trường con gái mình, dù bản chất họ không muốn. Vậy tính giả hướng ngoại sẽ như thế nào với người hướng nội ?
Cuốn sách cũng giải thích thêm một vấn đề chung của người hướng nội đều có : Tại các bữa tiệc, đám cưới, hội trường phát biểu, họ luôn kiếm cớ đi ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
Thậm chí họ có thể nói chuyện phiếm tại các buổi họp ( mặc dù bản chất của họ là ghét nói chuyện phiếm), tuy nhiên họ cũng biết điều này sẽ “rút cạn” năng lượng của họ. Thực chất mà nói, họ thích giao tiếp một mình, thời gian nghỉ ngơi là khoảng thời gian tự nạp lại năng lượng cho chính mình.
Người hướng nội nhìn chung có cách che giấu cảm xúc rất tốt, ngoài mặt không thể hiện. Nhưng họ không thể quên, những hình ảnh có tính chất hung bạo, ám ảnh, lạm dụng, họ có thể tỏ ra không có gì, Nhưng họ bị tổn thương về trí nhớ, cảm xúc về lâu về dài. Ví dụ, người hướng nội họ sẽ điền gross (thô tục) trong phần điền chữ gr_ss thay vì đáp án chính xác phải là grass.
Sách : Hướng Nội/ Ảnh : Internet
Phần mình ấn tượng nhất vẫn là nói về lỗ hỗng giao tiếp. Giả sử có một cặp vợ chồng, vợ là người hướng nội. Cô sẽ cho rằng vô cùng mệt mỏi mỗi khi anh chồng tổ chức các bữa karaoke tiệc tùng tại nhà vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần. Đặc điểm người hướng nội là, sau ngày làm mệt mỏi, họ cần chốn riêng tư nghỉ ngơi. Sức lực của cô bị vắt kiệt dù cả buổi cô không làm gì. Cô đã phải bàn luận lại bằng cách, cô sẽ vắng mặt trong buổi hôm đó hoặc về nhà người khác để tĩnh tâm, nghỉ ngơi, nhưng anh chồng lại muốn cô ở trong buổi hôm đó, vì anh chồng hướng ngoại thích đông vui, tiệc tùng la hét. Thật mệt mỏi. Ngược lại với người chồng hướng nội thích yên tĩnh và cô vợ thích vui vẻ thì sẽ ra sao? Vậy xung đột này sẽ được giải quyết như thế nào trong cuốn sách này ?
Chương cuối cùng, có lẽ dành cho các nhà quản lý giáo dục và các bậc cha mẹ có trẻ hướng nội. Các ông bố bà mẹ, các bậc giáo viên sẽ làm gì khi thấy trẻ chơi một mình; làm gì khi thấy ở bãi gửi xe hay bến chờ xe buýt mà những đứa trẻ khác ngồi tụm ba tụm bảy còn bé hướng nội lại đứng thu mình một góc. Liệu cách dạy con từ trước đến nay khi thấy con mình mà lầm lì, ít giao tiếp, chưa kịp hỏi han đã vội vàng đưa con đi khám ? Qua những lời khuyên đầy thuyết phục, có lẽ bạn sẽ thấy được cách nuôi dạy và phát huy sức mạnh tiềm ẩn bên trong của trẻ hướng nội.
Cuốn sách dày hơn 300 trang này, theo cảm nhận cá nhân mình vẫn là cuốn sách gối đầu giường. Nó không hề có ý “bài xích” hướng ngoại mà cũng không “đề cao” hướng nội , chỉ là nêu lên sự khác biệt lớn giữa hai kiểu tính cách ấy. Đặc biệt nếu bạn tự nhận mình là người hướng nội thì nên mua cho mình một quyền . Như kim chỉ nam, đọc xong và gấp sách lại, bạn sẽ thấy hình ảnh của mình hồi nhỏ, hóa ra là vì mình hướng nội nên mới có cách hành xử đến “lạ lùng” như thế. Qua đó có thể hiểu được người khác cũng có tính cách như mình và điều chỉnh mối quan hệ sao cho tốt hơn.
Theo : Huy Đức