
Mặt tối người hướng nội : Mặt còn lại của đồng xu
Người hướng nội không phải sẽ hoàn toàn miễn nhiễm scandal. Thông thường scandal sẽ xuất phát từ những việc làm có phần sai trái hoặc gây thiệt hại cho người khác mà bị phanh phui, đưa lên báo chí.
Một trong số đó, vụ việc gây ồn ào trên các tờ báo suốt thời gian qua liên quan đến Mark Zukerberg, châm ngòi cho nó là Cambridge Analytica đánh cắp dữ liệu (được cho là Facebook bật đèn xanh) của 50 triệu người sử dụng mục đích chính để phục vụ cho cuộc tranh cử của tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Mark cũng đã phải đăng đàn nói rằng :
Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu không thể, thì chúng tôi không xứng đáng để phục vụ các bạn. Mark Zukerberg
Tuy nhiên có vẻ lời hứa của Mark còn bị lung lay khi mà liên tiếp hacker đánh cắp dữ liệu 50 triệu người cách đây vài ngày và 29 triệu người vào sáng nay,13/10. Dù anh ta có đứng đầu hệ thống, là người hướng nội thành công nhưng đang trong cơn khủng hoảng. Như thế anh ta không thể giữ lời hứa với hàng tỉ người dùng Facebook mỗi ngày.
Nhân tiện nói chuyện không liên quan đến scandal, tôi nhớ đến chuyện trong một lần tôi gặp một anh, anh nói thế này
Trong công ty, anh làm quản lý, có những bạn hướng nội rất siêng năng, hòa đồng nhưng cũng có bạn hướng nội thì lười nhác, xấu tính, chuyên ngồi lê đôi mách nói xấu người khác. Unknown
Khi nói chuyện lần khác với một anh khác thì :
Anh là người hướng nội khá cởi mở mà cũng phải thừa nhận rất khó tiếp cận một bạn hướng nội, trong công việc lẫn cá nhân. Mấy em nhân viên là hướng nội được cái là chân thành, khẳng khái, giỏi chuyên môn nhưng mặt hạn chế cũng không ít, để khai thác được phải mất nhiều thời gian và rất dễ… bực (cười)
Bây giờ anh không làm kinh doanh nữa mà làm nghề dạy, lâu lâu gặp phải mấy em học trò hướng nội cũng lên bờ xuống ruộng nè. Lúc em vui thì em học khác mà lúc em buồn thì học kiểu khác.
T.H
Cách đây không lâu, tôi có cô bạn hướng nội. Lâu ngày hai đứa không gặp nhau, cô chợt nói với tôi một câu khá vô duyên “Sao bữa nay bạn trông đen đúa và xấu thế”. Tôi đứng hình mất mấy giây, chẳng lẽ hình ảnh người hướng nội suy nghĩ kỹ trước khi nói là đây ư? Tôi cảm thấy bị tổn thương và buồn rất nhiều ngày sau đó.
Trên các tờ báo tạp chí truyền thông, họ mô tả người hướng nội theo 2 cách cảm tính :
+ Một là theo hướng tiêu cực, nhút nhát, sợ đám đông, ghét nói chuyện phiếm, phải đi vào khuôn khổ như một người trầm tính, ít nói…
+ Hai là theo hướng “tự sướng”: Họ mô tả người hướng nội như một đẳng cấp, bài trừ hướng ngoại, có những đức tính “ưu việt” ; mà trong khi thực tế thì không được như thế.
Các câu chuyện liên quan đến người hướng nội thành công trên mạng thường đã bị gọt giũa, trau chuốt, không đáng tin cậy. Nhiều người nổi tiếng thành công các kiểu được đánh bóng trên media nhưng thực tế đời sống của họ rất đau khổ và tội nghiệp. Điển hình như vụ bê bối Facebook đã đề cập bên trên. Thành thử ra, họ mới chỉ khai thác một mặt của “đồng xu”, chứ không xem xét lại mặt còn lại của “đồng xu” đó ra sao.
Tiếp theo, chúng ta sang câu chuyện của Gandhi, một người hướng nội cũng rất thành công trong sự nghiệp dành lại độc lập cho dân tộc. Gandhi được sinh ra trong một gia đình toàn các chính trị gia thành công. Mẹ ông là một người Hindu rất sùng đạo và thường xuyên ăn chay.
Gandhi lớn lên trong hoàn cảnh Anh chiếm đóng Ấn Độ, ban đầu ông đã làm việc ở Nam Phi để tránh những ảnh hưởng ngột ngạt của chủ nghĩa thực dân. Nhưng khi ông ở đó và phải đối mặt với hoàn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn chủ nghĩa thực dân, ông đã từ chức để phản đối. Sau tất cả, ông dường như không có lựa chọn khác.
Ban đầu, cuộc đấu tranh của ông hoàn toàn hợp pháp. Ông là một luật sư và ông đại diện cho những người Ấn Độ đã bị phân biệt đối xử trong kinh doanh và trong pháp luật. Phải mất hơn một thập kỷ ông mới hình thành được phong trào biểu tình bất bạo động và điều đó chỉ xảy ra sau khi ông tiếp xúc với những ý tưởng về bất tuân dân sự và bất bạo động cực đoan được viết bởi Thoreau, Tolstoy và những người khác. Gandhi mất hơn 20 năm để đạt được một chiến thắng nhỏ trong việc tranh đấu vì quyền tự do dân sự cho người Ấn Độ ở Nam Phi, và hơn 30 năm để dẫn dắt Ấn Độ độc lập khỏi sự đô hộ của đế quốc Anh hoang tàn sau thế chiến thứ II.
Thật dễ dàng khi nhìn vào cuộc đời của Gandhi và coi sự biến chuyển của một tâm hồn vĩ đại đến từ một đêm định mệnh trên một chuyến tàu. Biệt danh “Mahatma” tự nó có nghĩa là “tâm hồn vĩ đại”. Nhưng sự thật là Gandhi đã được sinh ra và lớn lên với rất nhiều biến cố nhạy cảm của thế giới thuộc địa, sự trưởng thành từ tốn nhưng vững chắc đưa ông đến với cuộc cách mạng kỳ lạ và triệt để mà lịch sử biết đến ngày hôm nay. Trên thực tế, Gandhi không phải là một vị thánh. Ông tham gia nhiều cuộc chiến tranh, đã từng bị lên án là đánh và bỏ rơi vợ, và ông cũng có một loạt các khuynh hướng, thói quen lập dị.
Lịch sử rất phức tạp và hỗn độn. Chúng ta thường dựng nên các câu chuyện với mô típ “một người đàn ông bình thường, sự viêc X xảy ra, người đàn ông trở nên phi thường”. Nhưng thực sự đó không phải là cách mà thế giới vận hành.
Những đóng góp của những người nổi tiếng được cho là hướng nội thì không thể nào phủ nhận. Nếu không có Mark thì sẽ không có Facebook giúp mọi người kết nối hay lướt xem tin tức, học tập, phục vụ cho công việc, không có Gandi thì sẽ không có Ấn Độ ngày nay. Chỉ là báo chí họ khai thác và viết quá nhiều để gây sự ảo tưởng không cần thiết cho nhiều người muốn học hỏi và lấy đó làm điều vin vào rằng mình hướng nội thì mình cũng sẽ thành công như ai. Điều này không đúng.
Hướng nội, cũng chỉ là một trong hàng loạt tính cách khác mà một người đang có. Bạn là người hướng nội, bạn không phải khoác lên mình những gì truyền thông cố áp đặt vào người bạn : nhút nhát, trầm tính, có tính sáng tạo, có sự sâu sắc hay nhạy cảm…..Bạn cũng chỉ cần nghĩ rằng, mình là người bình thường thôi, mình cũng sẽ có những điểm yếu khắc phục để đón nhận điều tốt đẹp của cuộc sống.
Tham khảo : Đọc Thiên Nga Đen để biết rằng hầu hết người thành công đều là do ăn may