
Mentor là ai? Sự cần thiết của một mentor
Mình đã đi làm gần 10 năm và mình lê lết được sang tới Châu Âu tới vị trí manager trước tuổi 30 – mình không thể có được những điều này nếu không nhận được sự dẫn dắt từ rất nhiều đàn anh/chị trong và ngoài nước. Cá nhân mình thấy người mentor của mình đem lại 2 giá trị: – Chỉ cho mình thấy mình cần phải sửa điều gì và sửa như thế nào. Đơn giản vì không ai có thể tự thấy hết điểm xấu của mình, thậm chí khoa học còn chứng minh rằng tự tin quá mức là bản năng của con người. Do đó, bạn luôn cần có một người để chỉ cho bạn biết bạn đang đi sai chỗ nào so với đích đến và bạn cần thay đổi điều gì. Mình đã rất may mắn khi gặp được rất nhiều anh chị sẵn lòng ngồi hàng giờ cùng mình sửa CVs, essays khi apply học bổng và rồi hướng dẫn mình cách phỏng vấn, làm việc để mình đến vị trí hiện nay. – Xa hơn với việc cải thiện bản thân, mentor sẽ đem lại RẤT NHIỀU cơ hội cho bạn. Đây là giá trị mình không thể đong đếm bằng vật chất được. Ngoài việc làm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học mình có được theo cách truyền thống “tìm job ads – gửi application” thì các công việc còn lại đều từ networking.
Quá trình thăng tiến còn lại của mình đều xuất phát từ việc mentor của mình biết một ai đó đang cần kĩ năng của mình và giới thiệu mình cho người đó. Toàn bộ quá trình tuyển dụng, thăng tiến của mình vì vậy diễn ra “dễ thở” hơn vì đó đơn giản là một cuộc kết nối giữa những người bạn với nhau – nơi mọi người đều biết và có niềm tin sẵn vào kĩ năng của mình rồi. Mình dù là tốt nghiệp là một kỹ sư lại có thể bay nhảy khắp các bộ phận, từ Á sang Âu cũng là nhờ hàng loạt sự dẫn dắt này.
Mentor có thể đưa bạn đi xa hoặc….chẳng đi đâu cả. Vậy giữa ngàn anh chị xịn xò thì biết ai mà chọn ?
Những người anh/chị mình may mắn được theo học, mình thấy đều có 2 đặc điểm sau:
– Họ phải là người đã từng đi qua con đường bạn muốn đi để họ có thể chỉ cho bạn con đường. Tùy thuộc vào target của bạn muốn gì thì bạn nên tìm mentor như vậy. Nếu bạn muốn tìm một cơ hội phát triển công việc ở nước ngoài, bạn nên tìm một ai đang (ít nhất là đã) làm việc ở nước ngoài. Nếu bạn tìm đến một cô tiến sĩ để có lời khuyên về tìm việc, thì sẽ là một ca khó cho cả hai vì cô ấy có thể chưa từng trải qua, cũng không có network để có thể chia sẻ với bạn và bạn thì sẽ không có được đáp án cho mình. Ở hướng khác, nếu bạn muốn theo đuổi con đường học thuật, rõ ràng một người trong môi trường công sở như chúng mình sẽ không phù hợp rồi.
– Mentor phải là người có tinh thần chia sẻ thẳng thắn. Có thể việc bạn tiếp cận mentor sẽ không…free (có thể qua dịch vụ mentor, hay qua 1 event networking hay đơn giản 1 buổi cafe), tuy nhiên điều bạn cần đánh giá là người đó có sẵn lòng bỏ thời gian chia sẻ và feedback cho những điểm thiếu sót ở bạn hay không. Vì tựu chung, giá trị mentor là ở những feedback ”đắt giá” họ đem lại mà.
Mentor thì có thể là ai? Mentor thì có thể kiếm ở đâu? Như thế nào ?
Nói ngắn gọn thì mentor có thể là…bất cứ ai đơn giản vì thế giới này quá rộng lớn và mỗi người đều có những trải nghiệm, kiến thức khác nhau để mình học hỏi. Đôi khi mentor có thể là bạn bè mình, những người mình đã quen biết sẵn thì việc hỗ trợ rất dễ dàng, đôi khi mentor là một người tốt bụng xa lạ và mình cần phải xây dựng mối quan hệ cùng nhau.
Tuy nhiên, trong phạm vi du học (và tìm việc nước ngoài), mình nghĩ các bạn đã có rất nhiều lựa chọn cho mình, tuy nhiên mình có vài lưu ý từ kinh nghiệm cá nhân trong việc xây dựng network:
– Mentor không phải quan hệ thầy-trò, tức chỉ một người trao và một người chỉ nhận. Mentor là việc xây dựng kết nối, người mentor một một chia sẻ cho bạn rất nhiều giá trị để bạn phát triển và các mối quan hệ, mặt khác bạn cũng cần hiểu những mentor của mình đang quan tâm điều gì, muốn phát triển điều gì – bạn có thể cộng tác ra sao. Mình tin những ai đã có tinh thần mentor (hoặc ít nhất với mình) sẽ không bao giờ tiếc công hay đắn đo khi chia sẻ với bạn cả.
Mặt khác, khi tìm đến với 1 mentor, chí ít bạn nên có những hiểu biết nhất định về bản thân, về định hướng, về mục tiêu của mình. Tương tự như mọi mối quan hệ, nó cần phải được xây dựng thường xuyên. Giống như với bạn bè lâu năm không nói chuyện, tự dưng bạn nhận được…”tấm thiệp mời trên bàn”, rõ ràng mình cũng không thoải mái. Các mentor cũng vậy, họ không hề thoải mái khi bỗng dưng có một ai đó mấy tháng trời không nói chuyện, bỗng dưng PM nhờ giới thiệu job – cảm giác rất chi là “Đâu ra vậy nè?!”. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa là tuần nào bạn cũng phải đi cafe, nhắn tin hỏi thăm mentor của mình dù trong đầu chẳng biết nói gì. Điều quan trọng là bạn cho họ thấy, bạn vẫn có sự quan tâm dành cho họ – có thể thông qua việc chia sẻ một bài báo hay, hỏi thăm cuối năm…Nói chung, hãy chân thành và đâu tư vào chiều sâu.
Lời cuối Mình tin người tin thành công nào cũng cần có một người dẫn lối, từ bản thân mình, sếp của mình, cha mẹ mình và cả những anh chị đi gọi vốn bạc tỉ cũng luôn có một người dẫn lối. Newton cũng từng nói: “If I have seen further it is by standing on the shoulders of Giants”– các bạn cũng vậy, hành trình của bạn sẽ bớt mồ hôi, nước mắt nếu có người san sẻ và dẫn dắt.