
Khi còn nhỏ, mỗi lần nhà tôi có khách quý hay các chú các cô các bác, bạn của bố mẹ tôi đến chơi thì không khí khi nào cũng luôn đầy ắp những tiếng nói tiếng cười. Tuy nhiên thực sự mà nói điều này đôi lúc gây cho bản thân tôi vài phiền toái.
Nếu giả sử lúc đó tôi đang ở trong phòng nằm nghỉ, hoặc học bài cho kỳ thi sắp tới, hay đơn giản chỉ đọc sách thư giãn thì y như rằng tôi sẽ bị kéo ra khỏi không gian vốn yên tĩnh yêu thích của mình bấy lâu nay.
-Chào bác đi con, sao thấy bác tới mà lại không ra chào hỏi thế ?
Đứng như trời trồng vài giây, tôi mới lấy lại được bình tĩnh, vội chống chế là con ngủ quên mất hay đang mải tập trung một bài toán cực khó đòi hỏi sự nỗ lực lớn nên thoáng chốc không ra chào được. Kể từ đó trở đi, tôi ngồi xuống bàn im như phỗng không nói được câu nào. Tất nhiên, sau đó tôi xin phép lại biện minh lý do để vào lại “hang ổ” của mình và tận hưởng không gian yên tĩnh ấy.
Thực chất, lúc họ đến, tôi biết rất rõ chân dung người đó, họ là ai, nhà ở đâu, họ hôm nay ốm hay khỏe, đến có việc gì…vv…. Các chi tiết này với tôi không có gì khó. Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã chăm chú lắng nghe lời chào giữa bố mẹ tôi với họ, nghe sơ bộ thông tin những gì sẽ trao đổi. Theo lẽ tự nhiên phép tắc, chính tôi phải dừng bút, gấp sách đóng lại và ra chào cho đúng phép tắc, cho bố mẹ tôi nở mày nở mặt.
Ấy vậy mà, tôi không làm được hoặc đơn giản tôi không muốn làm điều đó. Cứ như thể là đôi chân bị chôn chặt dưới nền nhà, cái ghế nhựa quen thuộc tự dung dở chứng không cho tôi đứng lên mà bắt tôi “Này, cậu ngồi yên và không được phép đi đâu hết”. Chỉ đến khi nghe tiếng bố mẹ tôi gọi tên, ma lực hấp dẫn ấy mới tạm buông tha cho tôi để tôi thực hiện lễ nghĩa, dù cho thực lòng, tôi không muốn bước ra khỏi căn phòng tẹo nào hết.
Khi họ ra về rồi, bố mẹ vẫn không ngừng trách tôi chỉ vì không chủ động bước ra khỏi phòng rồi thực hiện các “nghi lễ” trên. Rồi bản thân lại tự trách mình nhưng cũng muốn kêu gào cho cả thế giới biết rằng không phải tôi không muốn ra chào họ, mà rất đơn giản, tôi chỉ muốn được yên tĩnh không ai quấy rầy. Nếu cảm thấy đủ tự tin, tôi sẽ không ngại ngần ra nói chuyện thân mật nhất có thể.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào cảm thấy thoải mái và luôn cho rằng, lẽ ra đừng nên đánh giá bất kỳ một ai khác chỉ vì họ không ra hỏi thăm bạn.
Người hướng nội, họ luôn giữ im lặng và sự tĩnh tâm trong mọi tình huống khác nhau, kể cả khi nước sôi lửa bỏng nguy cấp nhất. Họ chỉ lên tiếng khi nào cảm thấy cần thiết, còn khi không cần thiết thì họ lại tiếp tục im lặng, đồng thời suy nghĩ tìm ra phương thức hữu hiệu nhất có thể.
Vậy nên, thực sự rất khó bắt họ phải lên tiếng nếu họ cảm thấy điều đó thật hết sức vô lý hoặc chẳng đáng bận tâm. Chẳng hạn như lời chào cũng vậy, họ sẽ chào bạn trước nếu họ cảm thấy bạn “an toàn” hoặc chí ít là không gây ra cho bạn bất kỳ sự bối rối nào. Ngược lại, họ chỉ im re cho hết buổi mà thôi.
Đâu đó tôi đọc được có câu “Buộc một người hướng nội phải cất tiếng nói là điều hết sức thô lỗ chẳng khác nào buộc một người hướng ngoại phải hoàn toàn im lặng”. Sự khác biệt giữa hai kiểu hình tích cách này luôn gây ra sự tranh cãi, mâu thuẫn rất lớn khi mà nếu ai đó im lặng không nói, ắt hẳn họ sẽ có vấn đề trong cách cư xử hàng ngày của mình.
Điều này bạn sẽ thấy rõ được nếu người bạn của mình cũng là một người hướng nội và trong những buổi gặp nhau đông người, họ luôn thể hiện “sự lạnh lùng”, đứng yên một vị trí và không muốn giao tiếp bất kỳ một ai. Nếu bạn khăng khăng giới thiệu họ người khác, cái họ nhận lại được là sự khó chịu khi bị làm phiền “Này bạn, mình đang đứng yên ở đây và cảm thấy vô cùng thoải mái, do đó xin hai chữ bình yên” hoặc là khi họ bắt tay với người khác thì nụ cười trên đôi môi họ cho thấy nụ cười giả tạo cùng sự gượng gạo của bodylanguage.
>Ảnh : ESRB Ratings
Quay lại câu chuyện của tôi vừa kể, tôi tin chắc rằng nhiều bạn hướng nội như tôi sẽ đồng ý rằng người hướng nội chúng tôi khi đó có thể mở cửa ra chào người khác nếu : một là chúng tôi gặp họ ở cổng nhà trước tiên, hai là gặp họ bất chợt , chứ không phải là ai đó tìm đưa chúng tôi ra, bắt buộc người hướng nội phải mở miệng kèm theo sự không thoải mái ấy.
Xin đừng hiểu lầm hay đừng đánh giá chúng tôi chỉ vì lời chào đấy. Người hướng nội dù im lặng nhưng chỉ cần nhìn qua người bạn vài giây thôi là đã có thể nói lên tất cả chi tiết của con người bạn ra sao rồi. Do đó nếu muốn chúng tôi mở lòng ra với bạn, thì trước hết hãy chấp nhận con người khó khăn khi cất tiếng chào hỏi trước. Nếu thực sự muốn kết giao bằng hữu, thì không cần đến lượt bạn phải chỉ dạy mà có khi người hướng nội chúng tôi đã lên tiếng trước hơn cả bạn rồi đấy.
Đập tan cơn ác mộng mang tên lời chào hỏi
Tuy nhiên tôi cũng nhận ra rằng, không phải khi nào cũng vin vào tính hướng nội để giải thích những gì chưa đúng ở bản thân mình là điều chưa chính xác, ngược lại nó còn dễ gây hiểu nhầm hơn về con người mình. Hướng nội là tính cách, còn cách thức giao tiếp lại là kỹ năng và ai cũng có thể học được. Vậy với những bạn đã và đang trải qua tình huống như vậy.
Có một thời gian mình xin được công việc làm thêm là lễ tân quán cafe. Họ thuê mình để đứng chào khách hàng. 6/8 tiếng thời gian làm việc gần như mình chỉ đứng, mỉm cười, cúi đầu và nói lời chào. Điều đó chứng tỏ lời chào cực kì được xem trọng mà không một môi trường nào ngoại lệ. Mình là một người hướng nội và việc đó làm mình không thoải mái. Mình khó chịu khi cứ phải kéo hai khóe môi ra tạo một nụ cười gượng gạo để đối diện với khách hàng, rất bực mình vì phải tiếp xúc quá nhiều người và chỉ muốn thời gian trôi qua thật nhanh để về nhà, để được một mình và không phải chào hỏi bất cứ ai.
Một thời gian khác mình là khai thác viên cho một nhà mạng di động. Công việc trực tổng đài và đỉnh điểm có một ngày nhấc máy khoảng 200 lần. Tức là nhận 200 cuộc gọi, nói chuyện với 200 con người khác nhau và nói lời chào hỏi 200 x 2 lần thông qua điện thoại. Nếu không chào đúng như nghiệp vụ sẽ bị người giám sát bắt lỗi và trừ điểm chất lượng. Tệ hơn nữa là bị lập biên bản và bị trừ lương.
Mình nhớ mang máng bài viết ấy đã thuật lại cụ thể về một trường hợp mà người hướng nội chúng ta thường gặp phải: “quên” chào hỏi người đối diện. Trong bài viết trước mình có đề cập rằng, mỗi người chúng ta đều có những ưu nhược khác nhau. Người hướng ngoại có thể sợ một mình, sợ cô đơn, sợ nơi nào đó quá tĩnh lặng. Họ nạp năng lượng bằng cách gặp gỡ nhiều người, trò chuyện với nhiều người hơn. Ngược lại, cách lấy lại năng lượng tốt nhất đối với người hướng nội chúng ta lại là ở một mình và được làm điều mình thích. Trở ngại trong giao tiếp không phải tự dưng mà có. Trong quá trình chúng ta sinh ra và lớn lên sẽ hình thành những tính cách được tác động bởi phần nhiều do môi trường sống và cách giáo dục. Và có những trường hợp khi thói quen một mình quá nhiều dẫn đến những trở ngại do lâu ngày không tiếp xúc với con người và môi trường xung quanh, hoặc do bạn cảm thấy không thoải mái khi phải chào hỏi xã giao nên từ đấy luôn né tránh vấn đề đó.
Bắt đầu phân tích cụ thể nhé!
Câu đầu tiên ngay vế đầu, nếu lỡ chúng ta “quên” không chào hỏi thì luôn bị mặc định là vô lễ, con nhà không có giáo dục, vô văn hóa, khó chịu, khó gần, bla bla…nhưng kì thực đó là một trở ngại của người hướng nội và chúng ta không muốn bị đánh giá chỉ bởi một lời chào hỏi.
Vẫn câu đầu tiên nhưng ở vế sau. Mình đồng ý là qua vài giây thôi, với sự nhạy cảm vượt trội cộng với đặc tính quan sát tốt có thể giúp người hướng nội biết được phần nào về đối phương nhưng liệu có ai dám đảm bảo rằng chỉ vài giây nhận định mà đánh giá được cả một con người không? Trong khi ở vế đầu chúng ta không muốn bị đánh giá mà vế sau chúng ta quay ra đánh giá người khác? Thật mâu thuẫn!
Các bạn gặp được một người mới, qua vài giây tiếp xúc thấy rằng: “A, anh chàng/cô nàng này rất xứng đáng để trở thành bạn tốt!” nhưng các bạn cứ vin vào cái lý do bản thân là người hướng nội nên trốn tránh chào hỏi. Nếu đối phương cũng là một người hướng nội thụ động trong giao tiếp như bạn thì sao? Kể cả như đối phương là một người hướng ngoại, mạnh dạn trong giao tiếp nhưng lại không đủ mẫn cảm để nhận ra bạn là người tốt, đáng để làm quen và không chào hỏi, bắt chuyện với bạn trước thì sao? Có phải chúng ta đã bỏ qua những cơ hội tốt rồi không?
Giả sử các bạn đi phỏng vấn xin việc mà gặp trở ngại này, chả lẽ các bạn nói với nhà tuyển dụng rằng: “Tôi là người hướng nội nên chào hỏi có phần khó khăn, hãy hiểu tôi đi! Tôi sẽ mở lòng với các người!!!” Có ai dám như thế không? Liệu có nhà tuyển dụng nào sẽ đồng ý sử dụng một người lao động mà đến lời chào hỏi cũng khó khăn không???
Chúng ta khi bắt đầu biết nói những từ đầu tiên thuở bé xíu là gì? Là “ba”, “mẹ”, “ông”, “bà”… phải không ạ? Còn gì nữa có ai nhớ không?
“Ạ!”
Người lớn dạy chúng ta phép lịch chào hỏi tối thiểu từ khi rất nhỏ và ngay cả khi bạn chưa biết nói cũng sẽ được dạy rằng, hãy khoanh tay, cúi đầu, ạ mọi người đi con.
Các cụ ngày xưa có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để nói về tầm quan trọng đối với lời chào hỏi và dù sống trong thời đại nào, thế kỷ nào thì đối với mình câu đó luôn luôn đúng.
Lỡ đâu người yêu dẫn bạn về ra mắt gia đình, nhưng rồi gia đình bên ấy bảo: “Ô, con bé/thằng bé này thấy có vẻ thông minh, giỏi giang đấy mà sao ý thức kém quá! Không thấy chào hỏi ai cả!”
Chỉ là một ví dụ nhưng nó có thật đấy các bạn ạ! Mọi điều các bạn đều tốt nhưng các bạn đã bị mất điểm trong mắt các bậc phụ huynh ở ngay việc xã giao tối thiểu là chào hỏi. Mình nghĩ một con người dù tài giỏi xinh đẹp cỡ nào thì tốt nhất cũng nên hiểu những lễ nghĩa phép tắc tối thiểu là lời chào. Nếu ai đó trong gia đình họ hàng vai vế thấp hơn mình, gặp mình mà không chào, mình không phán xét họ (biết đâu họ cũng là người hướng nội và gặp trở ngại về việc chào hỏi) nhưng mình sẽ không có thiện cảm với họ. Bạn biết đấy! Ấn tượng ban đầu là cực kì quan trọng. Đôi khi chúng ta có thể không xinh đẹp, không giỏi giang nhưng chính những cách giao tiếp đơn giản mà chúng ta coi nhẹ nó lại mang đến những lợi ích vô cùng to lớn. Mà đã không có ấn tượng tốt ngay từ ban đầu rồi thì rất khó để thay đổi cái nhìn của mọi người. Mình không đề cao các bạn mau mồm dẻo miệng, lanh chanh, có tật thưa thớt hay nhiều lời, giỏi xởi lởi, nịnh hót, tâng bốc. Nhưng một lời chào hỏi liệu có quá khó khăn như các bạn nghĩ???
Ban đầu mình cũng trốn tránh chào hỏi hoặc nếu trong tình thế bắt buộc thì cũng chào một cách gượng gạo, chào cho có lệ. Ngày nào cũng đi làm về trong tình trạng mệt mỏi, cạn kiệt sức lực và đặt chân được đến nhà thì thở phào sung sướng. Có những thời gian ở trường, một kì học đầu tiên mình không có bạn. Suốt kì học đó mình bị coi như một kẻ lập dị, khó gần, không ai muốn gần gũi. Mình lúc ấy còn nhủ thầm: “Ôi, thế càng tốt. Chúng mày tưởng bà cần chơi với chúng mày à? Haha không có đâu!” Rồi còn vỗ đùi đen đét kiểu thích thú vì không bị bạn bè làm phiền. Đến lớp cứ ngồi đọc sách hoặc ngồi một mình, bị mấy thằng ngỗ nghịch chọc phá thì nổi đóa lên, có lúc sửng cồ còn đá vào “hạ bộ” của nó. Ui, nhắc lại nhớ, quả đấy chắc nó thốn phải biết! Há Há:)) Sau lần ấy chúng càng được thể chòng ghẹo, thế mới a – kayyyyyyyyy.
Trốn tránh là một kiểu sống cực kì mệt mỏi. Các bạn có mệt mỏi không?
Một thời gian dài loay hoay chạy trốn với cơn ác mộng ấy mệt rã rời thì mình dừng lại. Dừng để… thở!!!
Rồi mình nghĩ, ủa, sao mình phải sợ những vấn đề ấy? Sao mình phải làm cho nó quan trọng hóa lên trong khi đó là những việc rất bình thường. Mình được giáo dục hẳn hoi tử tế cơ mà, ba mẹ làm nông nhưng cho ăn học đến nơi đến chốn chứ có phải cầu bất cầu bơ đầu đường xó chợ đâu!
Mình không trốn tránh hay tìm cách đối phó với nỗi sợ hãi ấy mà bắt đầu thay đổi.
Thay đổi bắt đầu từ suy nghĩ vì đó chính là mấu chốt dẫn đến hành động. Vậy ta thay đổi từ gốc rễ đến ngọn ngành. Mình không vin vào lý do mình là người hướng nội nữa mà coi đó như một “nhược-điểm-cần-phải-chấn chỉnh.” Nếu các bạn cứ lấy lý do mình là người hướng nội để bao biện thì suy nghĩ của các bạn luôn chỉ dậm chân ở đó và chả bao giờ thay đổi được. Mình dừng luôn cả việc bới móc các câu hỏi vì sao mình lại cứ suy nghĩ quá nhiều mà quên chào lại, vì sao lúc đó mình cứ lúng túng đứng đực ra vậy, vì sao vì trăng vì cái này cái nọ cái lọ cái chai… Dừng, dừng hết!
Có tìm hiểu ra đi chăng nữa thì câu trả lời chung quy cũng chỉ vì “Mình là người hướng nội.” Vậy đau đầu tìm hiểu thêm chỉ phí thời gian!
Mình nghĩ đến những lợi ích mà lời chào hỏi mang lại, thậm chí nghĩ nhiều để có động lực thay đổi. Chả ai sống trên đời mà suốt ngày cô độc một mình với bốn bức tường. Mình cũng thế! Mình còn phải ra ngoài kia xem cuộc sống này xinh đẹp và tuyệt vời đến nhường nào, còn phải hàng ngày gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp dù chỉ là nói với nhau vài câu xã giao. Không thể để “lời chào hỏi” ám ảnh mình mãi được.
Và mình là ai? Là cái gì của họ mà yêu cầu họ hiểu được trở ngại của mình?
Mình là cái rốn của vũ trụ này chắc?
Không, mình là một người BÌNH THƯỜNG như bao người.
“Muốn nhận lại phải cho đi!”
Ta cho đi một câu chào xã giao, ta sẽ nhận về được những lợi ích khác mà trước mắt ta không thấy!
Rồi mình tập luyện bằng chính công việc của mình. Ngày ngày đi làm nghĩ đến lợi ích của “lời chào hỏi”, cười một cách nhẹ nhàng hơn, bớt gượng gạo hơn. Mỗi lần nghe điện thoại của khách mình vẫn chào như đang cười dù không “face to face” với họ. Lợi ích mang lại ban đầu là: KHÔNG CÓ GÌ! Vì chả ai nhận ra được sự thay đổi đó trong mình từng ngày mà chỉ có mình biết.
Nhưng rồi dần dần mình thấy khi nhận được một lời chào thân thiện thì khách hàng dù đang rất phiền hà hay muốn khiếu nại về dịch vụ cũng nhẹ nhàng hơn, không như thời gian đầu mình đi làm bị chửi như tát nước vào mặt. Chửi đến độ dập máy xuống là khóc huhu vì bị xúc phạm nặng nề. Hoặc sau một thời gian đi làm thì mình mức độ chịu đựng áp lực của mình tăng lên, từ một chú nai ngơ ngác biến thành cáo già hung ác!!! Chứng tỏ ngay từ đầu “lời chào hỏi” có tác dụng xoa dịu cơn nóng giận của khách hàng rồi phải không.
Những bạn có mong muốn thoát khỏi cơn ác mộng này, mình nghĩ hãy thay đổi từ suy nghĩ trước. Chỉ có suy nghĩ tích cực mới dẫn đến những hành động tích cực. Vì cả cuộc đời này không thể vò võ trốn tránh mãi trong cái vỏ ốc của chính mình. Như thế sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp đang đón chờ bạn ở thế giới rộng lớn này. Mỗi chúng ta sẽ có những phương pháp để giải quyết nỗi sợ hãi “lời chào hỏi” khác nhau nhưng dù là áp dụng cách nào đi nữa thì cũng phải bắt đầu thay đổi tư duy và cái nhìn trước. “Lời chào hỏi” tuy là một việc nhỏ bé nhưng lợi ích mang lại không hề nhỏ chút nào. Mong các bạn sớm đập tan được cơn ác mộng này và tự tin hơn vào khả năng giao tiếp của chính mình.
Credit : Bi