
Người nhạy cảm dễ bị lợi dụng trên mạng?
“Người trẻ ngày càng hiểu biết hơn về công nghệ và sử dụng mạng xã hội thông minh hơn. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần trên mạng, họ có khả năng bị tổn thương thêm”, theo báo cáo của Digital Awaruity UK (DAUK) thực hiện trên 50.000 học sinh tại nước Anh.
Theo đó, khi một người được cho là chỉ cố tỏ vẻ đáng thương để thu hút sự chú ý, khả năng họ bị trêu chọc, bắt nạt trên mạng lẫn ngoài đời xảy ra với mức độ thường xuyên hơn.
Với những người đối mặt với các vấn đề sức khỏe về tâm lý, các hành động như vậy càng khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn.
“Chúng tôi nhận thấy một thực tế là các học sinh, sinh viên thường cảm thấy thất vọng vì không nhận được sự hỗ trợ như mong muốn khi họ giải tỏa suy nghĩ trên mạng”, nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Trong vô vàn nội dung xuất hiện trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái “deep”, buồn bã, tâm trạng của bạn bè, người quen.
Hầu hết mọi người đều từng có lần giãi bày cảm xúc tiêu cực lên mạng. Nhiều người trẻ coi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc lên mạng là cách để giải tỏa căng thẳng.
Tuy nhiên, họ có thể dễ dàng bị coi là “sadfishing”. Trong mắt các đối tượng chỉ trích, những từ ngữ buồn bã chỉ là “làm màu”, phóng đại nỗi đau dù thực ra khổ chủ không gặp vấn đề gì đáng nghiêm trọng.
Thậm chí, những người đang buồn bã còn bị chế giễu và bắt nạt thêm.
Một nam sinh lớp 7 giấu tên cho hay cậu bé từng bày tỏ cảm giác suy sụp lên mạng xã hội khi cảm thấy bế tắc với chuyện gia đình.
“Mọi người ấn like, bình luận động viên rất nhiều. Tôi cảm thấy ổn hơn cho đến ngày hôm sau đến trường, có người nói rằng tôi cố tình nói quá để người khác an ủi. Chia sẻ cảm xúc lên mạng xã hội làm tôi thấy có lúc khá hơn, có khi tồi tệ đi”, cậu bé nói.
Mặt khác, những người trẻ trong trạng thái nhạy cảm thường dễ bị lợi dụng khi kẻ xấu giả vờ đồng cảm, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để chiếm lòng tin.
Báo cáo của DAUK ghi nhận trường hợp một thiếu nữ tuổi teen bắt đầu hẹn hò với người đàn ông quen trên mạng sau khi hai người cùng nói chuyện về chủ đề trầm cảm.
“Anh ta bình luận bên dưới bài đăng của cô gái và bắt đầu làm quen nhờ chia sẻ các câu chuyện tương tự. Cô gái nhanh chóng bị cuốn vào mối quan hệ. Họ chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp nhưng may mắn thay, cô ấy đã sớm chấm dứt khi nhận ra người đàn ông nói dối về tuổi tác thật và cố tình gạ gẫm cô gửi ảnh nhạy cảm”, trích lời báo cáo.
Chris Jeffery, chủ tịch của hội nghị quy tụ 300 trường học độc lập hàng đầu ở Anh, cho biết: “Công nghệ di động và phương tiện truyền thông xã hội giờ đây là một khía cạnh không thể thiếu trong cuộc sống của người trẻ mà những người làm lĩnh vực giáo dục, đặc biệt tại các trường học không thể bỏ qua”.
“Người trẻ tỉnh táo hơn khi sử dụng mạng xã hội. Song mặt khác, việc bày tỏ, quan điểm, cảm xúc có thể trở thành trải nghiệm tồi tệ cho họ”, Chris cho hay.
Nguồn: Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Guardian & Telegraph, đề cập đến câu chuyện những status tâm trạng, buồn bã trên mạng thường bị đánh đồng là cố tình nói quá, quan trọng hóa vấn đề để thu hút sự chú ý của người khác.