Công Việc

Những ngộ nhận trong công tác tư vấn, tham vấn

Để hoạt động tốt trong lĩnh vực trợ giúp tâm lí con người, nhà tham vấn trước tiên phải ý thức rõ về cái tôi của mình và có sự cân bằng tâm trí. Sự cân bằng tâm trí giúp cho nhà tham vấn nhìn vấn đề của thân chủ một cách khách quan. Người cân bằng là người có khả năng tự giải quyết các vấn đề của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Sức khỏe tâm lí và sức khỏe cơ thể là hai trụ cột tạo nên con người cân bằng. Con người cân bằng được xem xét từ nhiều bình diện khác nhau, khi một bình diện nào đó trục trặc cũng có thể làm con người mất cân bằng. Dưới đây là cách nhìn về một con người cân bằng và bình thường theo quan điểm của J. Godefroid. Theo ông người cân bằng là:

  • Trên bình diện thể chất, người cân bằng có một cơ thể khoẻ mạnh, một thể trạng tốt và chịu đựng được mệt nhọc.
  • Trên bình diện tình dục, là người có thể thiết lập một cách hài lòng trong mối quan hệ thân tình với những người khác, biết quan tâm không thái quá đến việc thoả mãn những nhu cầu của mình trong sự nhạy cảm và chú ý tới những nhu cầu của đối tác cùng mình.
  • Trên bình diện trí tuệ, đó là người có thể suy nghĩ và hành động một cách hữu hiệu. Họ biết những khả năng của mình và biết rèn luyện để đạt được mục đích đã định trong thột thời gian hợp lí. Họ có óc tưởng tượng và
     thích sáng tạo.
  • Trên bình diện cảm xúc, họ tương đối ổn định, không quá tự tin, không quá lo lắng, biết đương đầu với sự không may và không biểu lộ sự thất vọng quá đáng, biết giữ gìn sự tươi tỉnh khiến họ vô tư. Họ yêu mến bản thân và nhìn mình với mối thiện cảm trong khi vẫn giữ được sự hóm hỉnh để tránh rơi vào trạng thái quá nghiêm nghị
  • Trên bình diện đạo đức, người cân bằng luôn có khuynh hướng tin vào sự lí giải của mình, dựa trên những cứ liệu khách quan hơn là dựa vào những đánh giá bên ngoài. Hành vi của họ luôn tuân theo những chuẩn mực xã hội một cách tự nguyện với một ý chí vững mạnh. Họ luôn sẵn sàng thừa nhận những sai lầm của mình.
  • Trên bình diện xã hội, họ luôn cảm thấy dễ chịu khi đối mặt với những người khác và cảm giác được sự thừa nhận của người khác đối với mình. Những phản ứng của họ ít khi có sự tính toán và sự tự nhiên này giúp họ dễ dàng giao tiếp với những người xung quanh.
  • Trên bình diện nhân cách, đó là con người lạc quan yêu cuộc sống, họ luôn có tâm trạng vui vẻ, hồn nhiên. Đó là một nhân cách chín chắn, tự chủ trước các cảm xúc, là người biết chấp nhận những trách nhiệm, không từ chối trước những nguy nan.
  • Là người bình thường, người cân bằng cá nhân cho phép mình sống với những sai sót của mình, với những ứng xử không phải lúc nào cũng dễ thích nghi. Trong những tình huống như vậy cá nhân biết sử dụng những cơ chế tự vệ khác nhau hoặc phát triển một số nét tính cách được chấp nhận. Do không đạt được sự cân bằng đầy đủ, nhưng cá nhân vẫn giữ được thái độ phê phán trước những phản ứng của mình và có khả năng chế giễu chúng nếu gặp dịp.

Ảnh :Admissions @ Illinois – University of Illinois at Urbana-Champaign

“Tiêu chuẩn” đầu tiên để trở thành nhà tham vấn đòi hỏi cá nhân phải là một con người bình thường – người cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên không phải lúc nào cá nhân trở thành người trợ giúp tâm lí cũng có một tinh thần khoe khoắn. Đôi khi sự “không bình thường”, không thảnh thơi về tâm hồn lại là nguyên nhân khiến ai đó theo đuổi nghề trợ giúp tâm lí.

Trong một dịp đi công tác (2005) tôi có gặp một nữ sinh viên tên X,học ngành Tâm lí học. X vốn là sinh viên học toán tin khá tốt Sau khi học hết năm I cô đã quyết định bỏ ngành Toán học để chuyển sang ngành Tâm lí học. Khi biết tôi cùng nghề, X đã rất vui và chúng tôi trở thành “đồng nghiệp”. Mặc dù học rất bận nhưng X luôn tìm mọi thời gian mà chúng tôi có được để chia sẻ về nghề trợ giúp tâm lí. Trò chuyện nhiều hơn, tôi được biết động cơ chuyển ngành của X chỉ liên quan đến việc “Muốn có hiểu biết về lâm lí con người để tự khám phá bản thân”.

Mong muốn này xuất hiện sau khi cô gặp một sự kiện bất ngờ gây sang chấn tâm lí. Bốn tháng sau lần gặp nhau đó, tình cờ tôi nhận được một cú điện thoại của X, cô đã về phép đột ngột vì lí do là ở Pháp “đang có bạo loạn”. Cô có ý định về Việt Nam để học tiếp ngành Tâm lí học, tại Khoa Tâm lí học, Hà Nội. Mặc dù cô là người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó X cũng không có động thái gì cho việc xin học tâm lí ở Hà Nội. Sau này tôi không có dịp liên hệ với X nên không ra hiện X có còn theo học Tâm lí học ở Pháp?

Trong cuộc sống đôi khi cá nhân bị một sự kiện quá lớn, quá bất ngờ tác động gây nên những tổn thương tâm lí. Và, đôi khi đây lại là lí do để họ muốn học tâm lí học, những tưởng kiến thức tâm lí sẽ giúp họ tự giúp bản thân, tự khám phá thế giới nội tâm của mình và qua đó họ có thể giúp được cho những người khác. Trên thực tế, đáng lẽ các cá nhân này cần đến những cơ sở có trợ giúp tâm lí để được tham vấn, trị liệu cho vấn đề của mình, trước khi trở thành người giúp đỡ tâm lí cho người khác.

Khi bàn về vấn đề động cơ chọn nghề tham vấn, Witmer và Young (1996) nêu ra những động cơ tiêu cực và sai lệch của một số người đã mắc phải khi muốn trở thành một nhà tham vấn:

  • Có vấn đề trục trặc về mặt tình cảm. Khi họ có những khúc mắc tình cảm chưa được giải quyết từ thời thơ ấu hay trong quá khứ.
  • Họ cô đơn và sống thiếu liên đới với xã hội. Họ không có bạn bè và thường mượn quá trình tham vấn như một thay thế cho nhu cầu có bạn bè.
  • Tham vọng có quyền lực. Họ là người không thành công trong cuộc sống (không nhất thiết phải có nhiều tiền mới là có thành công), vì vậy họ mong được kiểm soát người khác.
  • Có nhu cầu tình yêu. Họ là những người quá yêu bản thân, có thái độ tự hào thái quá, tin tưởng mọi khó khăn đều có thể giải quyết được bằng tình yêu và do chính khả năng của họ. Đây là hội chứng muốn mình là anh hùng, cứu vớt được cả thế giới.
  • Họ có thái độ vùng vằng, muốn chống đối cuộc đời một cách gián tiếp. Họ là người có vấn đề về quan hệ cá nhân nào đó. giải quyết không thỏa đảng, nay muốn đem ra để áp đặt lên thân chủ trong quá trình tư vấn.
  • Tim đến sự an nhàn. Họ nghĩ rằng nghề Tư vấn là nghề chỉ ngồi văn phòng nói chuyện và đếm tiền.
  • Tìm danh vọng. Họ tin rằng, làm nghề tham vấn được xếp vào nghề nghiệp sang trọng, cao quý và lịch sự. Điều cơ bản đầu tiên cần có để trở thành nhà tham vấn đó là mong muốn giúp đỡ người khác. Nếu không vì những lí do trên, cá nhân đi vào nghề tham vấn họ sẽ hoàn toàn thất bại. Đơn giản vì khi trở thành nhà tham vấn họ sẽ không đáp ứng được những khát khao trên. Trái lại, tác hại của sự thất vọng sẽ trở thành chất độc phá hủy cuộc sống của họ và của người khác chỉ vì họ có sự chọn lựa sai lầm.

Như vậy, để trở thành nhà tham vấn chuyên nghiệp, yêu cầu đầu tiên là người đó phải có một sự cân bằng về phát triển tâm trí đạo đức và xã hội. Thật khó có thể trợ giúp người khác giải thoát những rối loạn tâm lí, trong khi chính nhà tham vấn đang có những tổn thương tâm lí, hay có nhân cách mà người khác cho là “không bình thường”. Điều này trả lời cho câu hỏi về động cơ chọn ngành của một số người khi lựa chọn học nghề tâm lí học, nghề tham vấn. Kinh nghiệm nghề tâm lí chỉ ra rằng thật khó có thể trở thành người trợ giúp tâm lí thành công, khi người đó trước tiên và cần thiết phải trở thành thân chủ, nhưng họ đã từ chối cơ hội này.

Trích: Phần I. NHÀ THAM VẤN LÀ CON NGƯỜI CÂN BẰNG, chương Chương 4. NHÀ THAM VẤN VÀ THÂN CHỦ TRONG MỐI QUAN HỆ THAM VẤN TÂM LÍ, sách giáo trình Tham vấn Tâm Lý

Loading

Huy Đức

Tư vấn giao tiếp, công việc, hướng nghiệp, công việc và mối quan hệ cho người hướng nội. Email: info@bloghuongnoi.com Phone 0977.201.561 Skype : shinwa0204

Related Articles

Trả lời

Back to top button