
Cặp đôi hướng nội khi yêu nhau hoặc khi kết hôn cũng có những điểm thuận lợi riêng, đó là sự lắng nghe đầy chân thành và sự quan tâm đến nửa kia bằng cảm giác thấu hiểu lẫn nhau bằng sự “nhạy cảm”. Đây chính là tiền đề cho một mối quan hệ bền vững dựa trên sự gắn kết dài lâu của cả hai nửa với nhau và không thể phủ nhận cảm xúc tích cực này là mong muốn của nhiều cặp đôi khác. Mặc dù vậy, những cặp đôi hướng nội nếu yêu nhau hay kết hôn vẫn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn không kém phần rắc rối như cặp đôi hướng nội – hướng ngoại sẽ gặp phải, chỉ có điều khác biệt trong cách hành xử mà thôi.
Một trong những ưu điểm của cặp đôi hướng nội này cho thấy: Họ luôn cố gắng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng sự nhường nhịn và tránh sự tranh cãi không cần thiết bằng giọng nói và thái độ. Cách xử lý đầy bình tĩnh và nhẹ nhàng ấy luôn được đánh giá cao và rất nhiều người khác cũng mong muốn được như vậy. Nhưng sự nhẫn nhịn này luôn có hai mặt khi cả hai tránh né các vấn đề thực sự nghiêm túc. Những mâu thuẫn, những khác biệt hay nhu cầu sở thích riêng là những chủ đề được họ ít đề cập đến vì cho rằng tranh luận các chủ đề này chỉ khiến họ thêm mệt mỏi và không muốn nói gì thêm.
Ví dụ một anh chồng tranh thủ ngày nghỉ để đọc sách và xem phim, còn cô vợ lại muốn tranh thủ ngày nghỉ hâm nóng lại tình cảm vợ chồng bằng cách cả hai lặng lẽ đi ra ngoài mua đồ về nấu ăn. Có thể xem đây là khởi nguồn của mâu thuẫn nho nhỏ để sau này xảy ra sự to tát hơn. Có thể xem anh chồng hoặc cô vợ sẽ nhường nhịn nhau, một trong hai bên sẽ chiều nửa kia bằng cách chỉ đọc sách xem phim cả ngày hoặc đi ra chợ mua đồ nấu ăn cùng nhau. Tất nhiên nhường nhịn nhau không có vấn đề gì nếu điều này dẫn đến nảy sinh sự bất mãn trong con người họ do sự nhường nhịn này cứ tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian dài. Họ cho rằng chỉ cần hiểu mình trước thì người kia cũng có suy nghĩ y chang như thế. Nếu họ dành cả ngày chỉ để đọc sách thì họ cho rằng nửa kia cũng thích đọc sách thì điều này chưa hoàn toàn chính xác. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu “từ bụng ta suy ra bụng người” ám chỉ sự nguy hiểm trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Họ chưa thực sự nhìn nhận rằng, nếu một trong hai người kia thích đọc sách, hoạt động để lấy lại năng lượng thì nửa kia cũng có cách để lấy lại nguồn năng lượng tương tự, ví dụ như nấu ăn, đi dạo, đi mua sắm vòng vòng gần nơi họ ở cũng là cách thức đó, chứ không phải giống nhau 100% trong cách suy nghĩ và cách thức nạp lại năng lượng.
Về lâu về dài, những ức chế do không được nửa kia thấu hiểu hoàn toàn cũng dẫn đến những hệ quả không tốt. Họ lại dành nhiều thời gian suy nghĩ rất nhiều và dễ rơi vào tình trạng không muốn nói cho nửa kia biết. Họ cũng có thể nhiều lần muốn lên tiếng về những cảm giác không mấy dễ chịu này nhưng lại thôi. Sau nhiều lần nhiều lần như vậy, họ không muốn nói thêm gì và tiếp tục lại chịu đựng cảm xúc tiêu cực ấy một mình. Thực lòng mà nói, một ngọn núi lửa sau một thời gian không phun trào nếu có hoạt động trở lại thì thường gây hậu quả cho hệ sinh thái xung quanh hơn là một ngọn núi lửa thường xuyên phun trào (vì lẽ xung quanh ngọn núi lửa đó hầu như không có hệ sinh thái nào). Hãy tưởng tượng nếu cảm xúc chôn chặt trong lòng không được giải tỏa, mà cứ bị nén trong suốt thời gian dài và đến ngày không còn sức chứa nữa thì hậu quả sẽ như thế nào?
Khi tôi viết bài này thì tôi vẫn đang dùng quan điểm cá nhân để viết, tôi vẫn đang yêu một cô gái hướng nội. Viết về chủ đề người hướng nội yêu nhau thì ít nhất tôi vẫn có thể vung tay vài dòng, chứ viết về cặp vợ chồng người hướng nội quả thật không đơn giản chút nào. Bởi lẽ tôi không thể nào dùng cặp mắt của mình trong tình thế người đang yêu để nhận xét một cặp vợ chồng đã kết hôn, chưa kể đến hôn nhân là chủ đề rất phức tạp, nếu viết không cẩn thận thì rất dễ gây hiểu lầm. Thật may khi đang bí ý tưởng thì tôi gặp được một người chị tên là Ngân An đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của chị và khiến tôi có được thêm những góc nhìn mới mà trước đây tôi chưa bao giờ được biết đến hay lầm tưởng.
“Điều khó khăn nhất của một cặp đôi hướng nội là ở chỗ, như hai cái lò xo cùng nén, nhưng thời điểm bùng nổ lại rất nhiều lần lệch nhau. Mà lệch nhau, nếu không thực sự thấu hiểu, hoặc có thấu hiểu đấy nhưng quá sức, sẽ dễ dàng xa nhau.
>Cặp đôi diễn viên Thu Quỳnh- Mạnh Trường trong vai Phương- Thành phim Ngược Chiều Nước Mắt, được cho là cặp đôi hướng nội điển hình
Người ta mặc định người hướng nội có nghĩa là ít nói, luôn thể hiện mọi thứ bằng hành động, ít khi tranh luận, ít hơn thua. Sự thực thì đó chỉ là vẻ bề ngoài. Người hướng nội lầm lì với người lạ nhưng thế có thể đóng vai một triết gia đối với gia đình. Họ gần như cực kỳ ít tranh luận với người ngoài nhưng với cái đầu rất cứng, nhiều khi lại không hề nhường nhịn, xuề xoà với chính những người thân trong gia đình mình. Chắc chắn là tôi không cổ vũ cho thói sống hai mặt hay thâm độc. Nhưng ý của tôi là, trong mối quan hệ “với” và “của” mình, người hướng nội đôi khi lại gặp trúc trắc hơn hẳn với những mối quan hệ ngoài xã hội.
Chồng tôi và tôi đều là hai người hướng nội. Nhưng nếu như tôi là cô gái hướng nội trong bề ngoài sôi nổi thì chồng tôi ngược lại, anh hướng nội trong chính vẻ bề ngoài yên lặng của mình. Bởi thế, nhiều người cho rằng chúng tôi không thể tìm thấy sự đồng điệu khi tôi nói như máy khâu còn anh yên lặng suốt ngày, thì thực tế chúng tôi rất hoà hợp trong quan niệm, trong cách đánh giá nhìn nhận hay kể cả lòng tin. Chồng tôi rất thích thơ. Và tôi thích đọc cho anh ấy những bài thơ tôi viết. Chồng tôi luôn có vẻ là người bỏ qua cho sự trẻ con bồng bột của tôi, nhưng tôi mới là người đứng thật vững chân và lôi xềnh xệch chồng tôi đi qua những cơn thất vọng không lối thoát của đời. Những cơn tuyệt vọng mà người ngoài không thể nhìn thấy – hoặc là không đc anh ấy cho phép thấy. Nhiều lúc anh ấy thậm chí như đã dựa vào sự cứng cỏi của tôi. Còn tôi thì tìm sự bình yên trong tác phong điềm đạm từ anh ấy. Nhưng rõ ràng chúng tôi cùng hướng nội và tần số rung động rất gần nhau.
Mọi thứ đều rất tốt. Ngay cả khi tôi biết tôi có thai thì cũng biết chắc chắn luôn thái độ của anh ấy ra sao. Tôi bình thản thông báo và chúng tôi làm đám cưới. Thời điểm tôi không dùng một biện pháp bảo vệ nào và biết chính xác mình sẽ có thai, tôi cũng đồng thời khẳng định là anh ấy sẽ cầu hôn tôi không hề khiên cưỡng. Tức là chúng tôi cực kỳ hoà hợp, đồng điệu và hiểu được về tầm mức mối quan hệ của mình gần như cùng một lúc và cùng một cách với nhau.
Nhưng hôn nhân đã dạy tôi rằng ngay cả khi hai người cùng hướng nội hiểu rõ về nhau thì thời điểm bùng cháy bên trong họ vẫn hoàn toàn lệch nhau.
Chồng tôi đi công tác một tuần, với tất cả nhớ thương, tôi nghĩ, anh ấy trở về tôi sẽ nấu một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng stress trong công việc suốt một tuần ở một nơi xa lạ khiến anh ấy chỉ về nhà một lát và bảo tôi ăn một mình đi, anh đi uống bia với “tập thể bạn bè” để “xả”. Tương tự như khi tôi sắp đến ngày sinh, tôi sợ đau, sợ mổ, sợ nuôi con khó… Nhưng với chồng tôi, qua tháng thứ bảy tức là chắc chắn và chính xác anh ấy sẽ có một đứa trẻ ra đời. Điều anh ấy lo lắng không phải là đau đớn, khó khăn trong lúc sinh nở của tôi mà lại là nỗi lo tôi sảy thai, lưu thai và khoảng thời gian trước đó. Vì thế, thời khắc và mối lo nghĩ của hai người hướng nội không trùng khớp và chúng tôi xung khắc. Tôi bảo anh không thương tôi nhưng anh ấy cho rằng những đau đớn khi sinh con, chịu đựng những vết khâu là việc người đàn bà nào cũng phải trải qua. Đáng lẽ phải mừng vì khoảng thời gian thường xảy ra những điều đáng tiếc đã đi qua rồi và không nên phàn nàn.
Như tôi đã nói. Người hướng nội như những chiếc lò xo nén lại rất sâu. Bởi thế khi họ lo nghĩ thì ít ai chạm tới. Nhưng khi họ đã giải toả được rồi, thì họ trở nên “hớn hở” hơi quá và nhiều lúc vô duyên. Chồng tôi để mặc vợ đau buốt vì vết mổ, anh yên tâm đã có bà ngoại nên đi ăn mừng. Tôi giận chồng ghê gớm vì vô tâm nhưng tôi đồng ý là trước đó anh đã lo cho tôi từng bữa cơm, quả trứng. Hình như cảm giác có con khiến anh cần phải giải toả và trở nên sôi nổi quá đà, ngay cả điều ấy đồng nghĩa với việc không trực tiếp về nhà chăm con.
Nhiều điều tương tự thế diễn ra. Chúng tôi cùng hướng về gia đình nhưng ở những thời điểm tôi tập trung vào học cách ủ tempeh, suốt gần nửa năm tôi không nói được câu thứ ba với chồng qua điện thoại, dù rằng anh đi công tác xa nhà. Không phải tôi hết yêu. Nhưng lúc ấy tempeh gần như quyết định cả một hướng đi mới cho gia đình và cuộc sống cá nhân tôi nên tôi không đủ sức hỏi han đến chồng.
6 năm hôn nhân, chúng tôi đã trải qua rất nhiều xung đột và bài học. Hai con người tưởng như đã hiểu nhau đến tận cùng lại có khi xung đột tưởng không thể dung hoà, không thể duy trì nổi gia đình nhỏ, thì chúng tôi mới hiểu được rằng khi cả hai người đều hướng tới cái chung thì cũng không phải khi nào những nhịp rung động cũng trùng khớp nhau. “Lệch nhịp” nói chung đã rất khổ sở rồi nhưng sự lệch nhịp của hai con người hướng nội thì nhiều khi mệt mỏi tận cùng bởi sự nhạy cảm quá mức của cả hai người.
Yêu đương và hôn nhân là một cơ hội cho cả hai khám phá về mình và khám phá về nhau. Nhất là những con người hướng nội thì hành trình khám phá này nhiều thử thách hơn bao giờ hết.”( An Ngân)
Chị và mẹ chồng chị cùng hướng nội ,hiểu nhau đến nỗi có thể đọc được suy nghĩ của nhau. Chị hướng nội thuần hơn ,còn bà thì hay tham gia các nhóm văn nghệ, hát hò. Mọi người hay nhầm bà là người hướng ngoại nhưng thật ra bà làm như vậy vì sợ bị chê là không hòa đồng ,ít nói .Lúc ở nhà bà mới thể hiện sự hướng nội của mình. Bài viết rất đúng ở chỗ những người hướng nội đã giận nhau thì rất dai và hình như không ai có thiện chí muốn hòa giải. Điều đó đẩy mọi chuyện đi rất xa. ( Thu Hà )
Cũng trong lần tôi đang lấy minh chứng cho tựa đề này thì may thay lần lang thang trên mạng thì tiêu đề “Sai lầm khi lấy người vợ quá ít nói” trong mục Tâm Sự của báo VnExpress. Nội dung trong bài báo này cũng đề cập đến những bất đồng như bề mặt nước biển, dù bề mặt khi nào cũng hiền hòa với màu xanh dịu mát nhưng ẩn sâu bên dưới lại là sự chuyển động không ngừng.
Tôi có người vợ biết chăm lo cho chồng, gì chứ nấu ăn ngon là nghề của cô ấy. Nhà cửa, chăm lo con cái… một mình cô ấy lo hết, lâu lâu tôi cũng có phụ giúp khi có thời gian rảnh. Cô ấy thuộc tuýp người hướng nội, ít nói, thẳng tính, có gì nói nấy, không khéo giao tiếp đối ngoại nên không được lòng mọi người. Cô ấy cũng biết điều này và nói đang cố gắng thay đổi. Tôi cũng biết tính cách của mình hướng nội giống vợ. Lúc đầu lấy nhau nghĩ thôi lấy người ít nói giống mình về cho khỏe, lấy người nói nhiều về nghe nhức đầu. Tuy nhiên sau khi cưới tôi nhận ra rằng nhiều cặp vợ chồng khác hạnh phúc là do vợ chồng trái ngược tính nhau: chồng ít nói, ôn hòa, vợ lại sôi nổi, năng động hay ngược lại. Bản thân tôi nghiệm ra cũng đúng.
Trong thâm tâm tôi là con người hướng nội, không thích lãnh đạo người khác. Nhiều khi đi đâu ăn gì tôi muốn người khác quyết định và mình chỉ việc làm theo. Tôi chỉ thích ngồi nghe người khác nói chứ không nói nhiều. Mặc dù đang là trưởng phòng quản lý một nhóm nhân viên nhỏ nhưng tôi rất ít nói chuyện hay giao tiếp với nhân viên cấp dưới của mình. Tôi cũng cố gắng đi học nhiều để thay đổi bản thân, có lẽ do bản chất con người hay do tôi chưa rèn luyện mà vẫn chưa thay đổi được, chưa thể hoạt bát vui vẻ nói nhiều được. Tôi rất thích có một người vợ cá tính, biết ăn nói, vui vẻ, hoạt bát, thích đi đây đó, chụp hình tự sướng như các cô gái trên mạng xã hội. Có cô vợ như thế này tôi sẽ chiều chuộng, nghe theo cô ấy. Tôi nghĩ cuộc hôn nhân của mình sẽ thú vị lắm, đầy màu sắc tươi vui. Chúng tôi sẽ cùng nhau đi ăn uống, du lịch. Tôi không biết tạo kiểu chụp hình thì có vợ hướng dẫn, không biết ăn nói sẽ có vợ nói rồi tôi chỉ biết lắng nghe. Tôi sẽ yêu vợ nhiều lắm.
Nhìn lại vợ tôi hiện tại cái gì cũng được, chỉ có tính cách giống tôi quá nên cuộc hôn nhân rất nhạt, vợ chồng ít khi nói chuyện cùng nhau, đi đâu chơi cùng cũng không thú vị. Cuối tuần chở nhau đi hóng mát cà phê cũng không biết nói gì cả nên thành ra ít đi. Tôi cũng muốn bỏ tiền ra để đi du lịch cùng nhau nhưng mấy lần đi thấy không có gì thú vị. Nhiều người tư vấn cả hai vợ chồng hãy đi học giao tiếp để thay đổi bản thân mà thấy khó quá, bản tính khó thay đổi. Liệu tôi phải làm sao với cuộc hôn nhân rất nhạt này?”
Khoan nói đến chuyện ai đúng ai sai, nhưng theo tôi, vấn đề ở đây đó là cả hai đều giữ chuyện trong lòng và ngại chia sẻ với nhau, đóng kín sự giao tiếp, thậm chí là bỏ qua các cơ hội khi bên kia chủ động “mở lời”, có thể là điều gì đó không vui trong công việc hoặc trong đời sống hàng ngày. Biết đâu suy nghĩ của anh chồng cũng là suy nghĩ của vợ. Sự lệ thuộc về mặt nhu cầu cảm xúc ấy khiến sự im lặng tăng dần lên ngày qua ngày. Cả hai đều mong muốn được nửa kia lên tiếng trước để được sẻ chia nhưng trong trường hợp này, sự im lặng nếu không được kịp thời chỉnh sửa thì rất dễ dẫn đến những điều không hay về sau. Nhiều ý kiến chia sẻ bài báo cũng cho rằng sự bất ổn này đến từ hai phía. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những mối nguy cơ sẽ xảy ra ở những cặp đôi hướng nội.
Ở cặp đôi hướng ngoại – hướng nội cũng có điểm tương tự, nhưng người hướng ngoại họ sẽ lên tiếng trước và từ đó giúp cho nửa kia hướng nội dễ bề lên tiếng về những mong muốn, suy nghĩ và nhu cầu của bản thân. Từ đó nếu cả hai thảo luận được và cùng nhau đi đến thống nhất thì kết quả lắm lúc sẽ khiến cặp đôi này có chút gì đó hài lòng trong cuộc sống hôn nhân của họ. Thế cho nên, cặp đôi hướng nội – hướng ngoại lắm lúc được cho là sự bù trừ hoàn hảo và có xu hướng hạnh phúc hơn.
Một số biện pháp tháo gỡ khó khăn của cặp đôi hướng nội
- Nếu bạn nhận thấy hoặc chính cả hai người đều đang nhìn thấy mối quan hệ này đang có vấn đề thì hãy chấm dứt việc chú ý quá nhiều vào nó. Thay vào đó, một trong hai bên hoặc cả hai bên càng tốt cùng nhau hỏi han lẫn nhau. Những câu hỏi này không quá khó, rất đơn giản; chẳng hạn như nhìn nét mặt của anh ấy/cô ấy không vui thì hãy lập tức lên tiếng: “Có chuyện gì không ổn với em/anh thế? Trông em/anh không được vui. Có anh/em ở đây rồi. Đừng sợ.”. Kèm với cái nắm tay, cái vuốt tóc hoặc hôn trán nhẹ nhàng thôi thì bạn đang làm nửa kia cảm thấy an toàn và dễ chịu. Khi có được cảm xúc tích cực này, họ sẽ dễ dàng nói ra cho bạn biết. Ngược lại trong trường hợp họ vẫn chưa nói cho bạn biết vấn đề là gì thì cũng không nên sốt sắng mà từ từ thăm dò và quan sát nét mặt của họ với từng câu chuyện đã xảy ra thì sẽ dễ dàng hơn hoặc chọn thời điểm thời gian riêng tư của hai người với nhau để hỏi, nhưng cũng nhẹ nhàng thôi.
- Mọi hiểu lầm gây ra nên được giải quyết càng sớm càng tốt và không nên để hiểu lầm đó được chôn chặt quá lâu. Người hướng nội hay có xu hướng giữ suy nghĩ đó một mình và hầu như không muốn cho ai biết, kể cả người bạn đời của mình. Dù cho họ nhường nhịn nhau rất giỏi nhưng trong trường hợp hiểu lầm đang đe dọa đến hạnh phúc của cả hai thì tốt nhất một trong hai hoặc cả hai nên nói ra. Cách tốt nhất vẫn là hẹn nhau một ngày nào đó trong tuần vì điều này sẽ giúp bạn có thời gian để chuẩn bị tất cả những gì sẽ nói vào ngày hôm đó. Ngồi ở nhà trong không gian yên tĩnh, pha tách café, ngồi dựa vào nhau để thổ lộ tâm tình. Khi chỉ có hai người với nhau thì hãy mạnh dạn nói thẳng thắn nhưng vẫn nhẹ nhàng, không che giấu. Ví dụ như “Em thấy không hài lòng anh ở điểm này, theo em vẫn là…” hoặc “Anh đang thấy có điều này khúc mắc mãi mà chưa biết nói sao….”. Bên cạnh đó hãy dùng cụm từ “theo em/theo anh” để tăng sự chủ kiến trong câu nói chứ không phải mang tính áp đặt. Phương thức này sẽ là điểm khởi đầu khơi mào cho việc “bóc trần” những hiểu lầm trước kia và sau đó mọi khó khăn giữa hai người sẽ dần dần được tháo gỡ.
- Dù bạn là người hướng nội luôn dành nhiều thời gian một mình đi chăng nữa, bạn cũng nên chủ động ra ngoài để gặp gỡ, café chuyện trò cùng bạn bè. Một mình hoặc cả hai người thì càng tốt. Nếu là một mình thì bạn dễ thực hiện điều này khá thoải mái hơn nhiều. Cách làm này sẽ giúp bạn luôn khơi dậy tính cởi mở, hạn chế sự gò bó hoặc im lặng quá mức. Không có ý nói rằng bạn đang được “cải tạo”, mà là bạn sẽ luôn chủ động trong mọi tình huống để hỏi han quan tâm người khác khi cần thiết. Nếu là hai người với nhau thì cách làm này sẽ giúp tình trạng mối quan hệ luôn được “đổi gió”. Hãy cùng nhau đi đến một nhà hàng, tặng hoa tặng quà cho nhau; hãy cùng nhau đến rạp chiếu phim với căn phòng ít người hoặc nếu đi cùng nhau thì hãy nắm tay nhẹ nhàng tình cảm và hãy luôn tưởng tượng rằng hai bạn đang hẹn hò như lúc mới yêu vậy. Một chiếc bóng đèn sẽ luôn sáng mãi nếu người sử dụng luôn lau chùi lớp bụi bẩn bên ngoài, một chiếc xe máy sẽ hoạt động tốt hơn sau mỗi lần bảo hành, một chiếc máy tính sẽ hoạt động nhanh hơn nếu người chủ của nó thường xuyên kiểm tra, diệt virus, dọn ổ cứng. Cách nói có phần ví von này luôn chứng minh được tình cảm của hai bên sẽ luôn được làm mới, thêm hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.
- Luôn tôn trọng về suy nghĩ riêng tư của nhau và không nên thúc ép nửa kia phải nói ra nếu điều đó nếu thực sự không cần thiết. Cũng có thể suy nghĩ đó chỉ là nhất thời và chẳng may tổn hại gì đến tình cảm của hai người. Người hướng nội rất giỏi ở việc quan sát nhận định tình huống và đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên không phải khi nào cũng cần phải làm điều này. Trong cuộc sống có sự khác biệt liên quan đến suy nghĩ là hoàn toàn bình thường, miễn sao hai luồng suy nghĩ đó nhìn về một hướng.
Trong đời sống vợ chồng, có những vấn đề động đến rất dễ gây tranh cãi, nhưng ở cặp đôi hướng nội lại là sự bất đồng ngầm cũng không kém phần nguy hiểm. Thay vì né tránh, họ cũng cần biết cách xử lý các vấn đề này linh hoạt sẽ giúp hai người hiểu nhau và được hạnh phúc hơn.