
Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu- Những bài học học làm người trưởng thành
Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu- Rando Kim
Nếu cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rosie Nguyễn có lúc gây sốt cho các bạn trẻ có độ tuổi từ 17~24 (và sự thật là mình chưa được cầm để đọc nó); chỉ được nghe kể là nội dung của cuốn sách mang âm hưởng tuổi trẻ đầy long đam mê nhiệt huyết , phấn đấu cho những mình muốn thì cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” của một tác giả Hàn Quốc lại mang đến cho những người sắp 3x như mình có một góc nhìn khác.
Đã qua thời tuổi trẻ nhiệt huyết, bùng cháy của thời học sinh, sinh viên mà bây giờ đứng trước ngưỡng “làm người lớn” thực sự khiến mình lại phải chiêm nghiệm nhiều hơn, lo lắng cho tương lai nhiều hơn dưới áp lực cơm áo gạo tiền. Và đây là quyển mình yêu thích nhất trong tủ sách mình đang có.
“Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu mới có thể trưởng thành. Có đau đớn mới là tuổi trẻ? Nếu vậy thì có chao đảo mới trở thành người lớn. Đúng vậy, có chao đảo một chút cũng không sao, sự dao động của bạn và của tôi là hành trình hết sức tự nhiên mang tên ‘trưởng thành’.” ( Trích từ cuốn sách )
Sau cuốn Tuổi trẻ- Khát vọng và nỗi đau, Rando Kim giới thiệu đến độc giả và cũng được sự đón nhận hết sức nhiệt tình qua những câu chuyện ông kể trong cuốn sách ấy, thì nay cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” cũng được độc giả Việt Nam có đánh giá rất cao cho bìa sách với những cây tre chót vót mọc cao vút, hình ảnh rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Trong tác phẩm, nó xuất hiện với một cái tên hơi lạ : Cây mao trúc.
Cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” được ông viết để “lắng nghe” câu chuyện của những người đã, đang và sẽ ở ngưỡng thành người lớn. Ông chỉ muốn làm một thính giả chân tình và cởi mở nói ra các vấn đề của bản thân.
Sách Trưởng Thành sau ngàn lần tranh đấu/ Ảnh : Internet
Xuyên suốt những gì tác giả viết trong cuốn sách, ông không hề chỉ dạy làm sao để giúp mọi người trở nên trưởng thành. Câu chuyện do ông trích dẫn đều là câu chuyện đời thực vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Triết lý về cuộc sống, tình yêu, tình bạn xen kẽ trong các 4 chương giúp người đọc sẽ nhìn thấy đâu đó rằng, à mình cũng giống vậy, giờ có người đồng cảm thấy thật thích làm sao.
Để mở đầu câu chuyện, tác giả Rando Kim đã trích dẫn một bức thư cho cậu học trò có tên là J, người quả quyết sẽ từ bỏ công việc của mình. Thật vậy, ai trong số chúng ta khi mới tốt nghiệp ra trường đều có mơ ước sẽ nộp đơn vào công ty nào đó rồi đặt ra mục tiêu “bám trụ” tại đó phải được 2 năm để tạo ra kinh nghiệm. Nhưng rồi đời không như mơ, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng giấc mơ ban đầu được tạo ra trong tâm trí nay đã vỡ vụn.
Chính bản thân nhân vật có tên là J trong chương này cũng không khác gì chúng ta. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm từng trải và giọng văn đầy nhẹ nhàng, tác giả đã dẫn dắt và chỉ ra những lời khuyên “cứa vào tâm gan” của cậu học trò mọi nguyên nhân vì sao lại xảy ra lại như vậy.
” Em nhất định phải thật sáng suốt. Em hãy dùng công ty như một công cụ để trưởng thành, chứ không phải là một phương tiện để lo sinh kế”
Mục “Hãy đề phòng với thành công của bạn” nằm ở chương 2- Tuổi trẻ bước vào đời chỉ dạy chúng ta rằng, thành công cũng có hai mặt. Ai cũng trông mong thành công đến với mình, ngược lại khi đã có được điều mình muốn, họ lại không tiếp tục tu dưỡng đạo đức, năng lực mà lại chóng sa lầy vào cám dỗ cuộc đời. Từ đó dẫn đến việc họ mất đi tất cả, mất đi những gì gây dựng trước đó, thậm chí là mạng sống bản thân mình, như cô ca sĩ Whitney Houston là một ví dụ điển hình được tác giả nhắc đến.
Ông cũng cảnh báo rằng tất cả mọi người luôn đặt ra mục tiêu lớn hơn sau khi đạt được bất kỳ “chỉ tiêu nào đó” để khỏa lấp sự trống rỗng ấy; vậy thì tại sao lại không chuẩn bị nền tảng cho mình khi thành công đến thay vì trông chờ điều đó xảy ra ? Chúng ta đang sắp ở ngưỡng trưởng thành, vậy phải làm như thế nào để có thể “đề phòng” và đón nhận thành công đến với chúng ta ?
Các cung bậc cảm xúc vui- buồn lẫn lộn lúc đan xen lẫn nhau sẽ tạo cho người đọc có cảm giác có lúc sẽ phải chiêm nghiệm lại tuổi trẻ của mình đã làm được những gì chưa, hay những bài học vô cùng thấm thía mà tuổi trẻ hiện nay đang phải đối mặt với tình hình kinh tế- chính trị hiện nay ở Hàn Quốc, mà cũng có nét rất giống với Việt Nam chúng ta. Trưởng thành, không thể hiện ở tuổi tác, trình độ học vấn mà thể hiện qua cách cư xử, cách nhìn nhận & mổ xẻ vấn đề sao cho ra dáng người lớn.
“Bàn về chuyện công việc, học tập, làm ăn, đối diện với mắt người đời, về tình dục, hôn nhân, hiện tại tương lai nhưng tác giả không hề đao to búa lớn, không áp đặt mà chỉ là kể những câu chuyện, và người đọc từ những câu chuyện ấy mà tự rút ra những góc nhìn của mình.
Công việc, gia đình và bản thân tựa như ba quả bóng lớn của một trò chơi tung hứng, chúng ta là người chơi và bí quyết chơi giỏi là phải biết cách bắt chụp, tức là khéo léo làm xiếc với chúng, bởi nếu như chúng ta chỉ chăm chăm bắt lấy một quả, thì thể nào cũng để rơi những quả còn lại.
Cuốn sách mà tôi hy vọng nhiều người trẻ có thể đọc được nó, một thứ ánh sáng giữa rừng rậm có thể giúp họ tìm được cảm hứng, và cả con đường đi. ( Bach Tran Quang)”
Cuốn sách trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, không chỉ là đầu sách kỹ năng, mà trong này tác giả luôn muốn chia sẻ câu chuyện của mình qua cách lắng nghe người khác đang thầm thì tâm sự với ông. Qua đó mọi dồn nén nỗi đau của tuổi trẻ ít nhất được chia sẻ ít nhiều. Dù bạn là ai, là nam hay nữ, thành công hay chưa thành công thì điểm chung vẫn giống nhau là các câu chuyện chưa được chia sẻ, nhưng mà nếu được chia sẻ thì biết đâu điểm chung thứ hai sẽ xuất hiện. Đó là va vấp đầu đời, va vấp của sự non nớt trước ngưỡng cửa người trưởng thành.
Vậy nên, cùng với cuốn sách này, bạn hãy bắt đầu câu chuyện đè nén, chất chứa trong lòng bấy lâu nay.